30/05/2023

4 điều lưu ý khi làm việc trong môi trường đa văn hóa

Bước vào văn phòng của những công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tập đoàn đa quốc gia tại những thành phố lớn, chúng ta sẽ thấy những bạn trẻ người Việt đứng cùng những đồng nghiệp ở Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, họp cùng những đối tác đến từ châu Mỹ, châu Âu, tạo nên một môi trường công sở đa sắc tộc, đa văn hóa. Cho dù người Việt rất năng động và giỏi thích nghi, sẽ có khá nhiều những bỡ ngỡ đối với những bạn lần đầu bước chân vào một môi trường đầy màu sắc như vậy. Cách tốt nhất để vượt qua điều này là hãy trang bị cho mình thật nhiều kiến thức và kỹ năng thiết yếu khi làm việc với những đồng nghiệp hay sếp người nước ngoài. Dưới đây là một số "sự thật" liên quan đến môi trường làm việc đa văn hóa mà bạn rất nên lưu ý nếu như bạn sắp trở thành một "mảnh ghép" trong bức tranh công sở với nhiều sắc tộc.

 

 

Không giỏi ngoại ngữ là một thiệt thòi lớn

Để được nhận vào làm việc tại công ty nước ngoài, chắc chắn bạn cần có một vốn ngoại ngữ "đủ dùng", thế nhưng khi làm việc một thời gian bạn sẽ mau chóng nhận ra khoảng cách từ "đủ dùng" tới "giỏi" vẫn còn khá xa. Sẽ rất thiệt thòi nếu vốn ngoại ngữ ít ỏi không thể giúp bạn trình bày được những ý tưởng phức tạp, tranh luận với đồng nghiệp hoặc khiến bạn không theo kịp những cuộc họp dài của sếp. Nhưng cũng đừng quá lo lắng nếu bạn chưa giỏi ngoại ngữ, bởi môi trường làm việc đa văn hóa chính là nơi tốt nhất để bạn trau dồi và rèn luyện. Hãy tích cực giao lưu, kết bạn với đồng nghiệp người nước ngoài, đọc thêm nhiều tài liệu bằng ngoại ngữ, chắc chắn bạn sẽ có những tiến bộ vượt bậc đấy.

 

Cần tôn trọng những khác biệt văn hóa

Ngày đầu làm việc cho một công ty Singapore, bạn có thể bị "choáng" khi thấy những đồng nghiệp theo đạo Hồi đồng loạt bỏ đi khi tiếng chuông báo hiệu giờ cầu nguyện vang lên. Bạn cũng sẽ thấy họ không bao giờ động tới các món ăn có nguồn gốc từ thịt lợn. Nếu có sếp người Đức, bạn sẽ bị phê bình nghiêm khắc nếu đến muộn dù chỉ một phút. Người Hàn, người Nhật thì vô cùng coi trọng lời chào và thường chào cấp trên một cách rất cung kính. Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều những ví dụ về khác biệt văn hóa giữa các dân tộc, và bạn rất nên tìm hiểu, quan sát để có thể nhận diện và tôn trọng những sự khác biệt này để tránh những hiểu lầm. Bên cạnh đó, hãy cố gắng giữ gìn và giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế nữa nhé.

 

Giao tiếp có thể gặp nhiều khó khăn

Có thể chỉ đến khi đi làm tại một môi trường đa văn hóa, bạn mới nhận ra rào cản ngôn ngữ không phải là điều duy nhất gây khó khăn khi giao tiếp với người nước ngoài, đó còn là sự khác biệt về cách truyền đạt, về phong cách và tư duy ngôn ngữ nữa. Nếu như người phương Đông ưa lối nói hình ảnh, bóng gió, "vòng vo" thì trái lại, người phương Tây với đặc trưng ngôn ngữ của họ, lại rất cụ thể và thẳng thắn. Vì vậy, họ sẽ không hiểu nếu bạn cứ cố ám chỉ một điều gì đó thay vì nói thẳng ra. Họ cũng sẽ có thể phản biện, từ chối người khác một cách thẳng thừng. Điều này đôi lúc gây ra mâu thuẫn khi "cái tôi" của bạn bị động chạm. Nhưng thay vì tự ái, bạn nên hiểu được gốc rễ các vấn đề và từ đó, điều chỉnh kỹ năng giao tiếp của mình sao cho hiệu quả hơn với đối phương.

 

Bạn không thể trông đợi người khác suy nghĩ giống mình

Nhận thức được sự khác biệt về mặt tư duy và lối suy nghĩ sẽ giúp bạn tránh được khá nhiều tranh luận trong quá trình làm việc với người nước ngoài. Thực tế thì mỗi nền văn hóa lớn trên thế giới đều định hình ra những quan niệm và lối sống hoàn toàn khác nhau, chính vì vậy nên sự khác biệt về suy nghĩ là rất lớn. Bởi vậy, sẽ rất khó để bạn có thể thay đổi suy nghĩ của một người đến từ nền văn hóa khác với bạn. Việc đơn giản hơn là hãy chấp nhận sự khác biệt này và cùng tìm ra hướng đi để có thể đạt được mục tiêu chung của tất cả mọi người.

Làm việc trong môi trường đa văn hóa có thể khá thử thách ở giai đoạn đầu khi bạn cần cố gắng để thích nghi với những khác biệt. Thế nhưng, một khi đã hòa mình vào bức tranh đầy màu sắc ấy, bạn sẽ được mở mang tầm mắt với vô vàn những bài học quý giá và những điều thú vị, đồng thời có thêm những người bạn, người đồng nghiệp ở khắp năm châu. Đây quả là một điều tuyệt vời đúng không? Hãy sẵn sàng để trở thành một "công dân toàn cầu" ngay từ hôm nay nhé.

Viết bình luận: