Đãi ngộ nhân sự là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân người tài. Ngoài lương thưởng, còn có nhiều chế độ đãi ngộ khác để khuyến khích nhân viên làm việc hăng hái và nhiệt tình cống hiến hơn. Vậy những chế độ đãi ngộ cho nhân viên đó là gì? Doanh nghiệp cần chú trọng khoản nào để giữ chân nhân viên giỏi?
I. Chế độ đãi ngộ là gì? Vì sao doanh nghiệp cần có chính sách đãi ngộ cho nhân viên?
“Đãi ngộ” là một khái niệm mang ý nghĩa là cho ai đó hưởng các quyền lợi theo chế độ tương xứng với sự đóng góp. Trong môi trường lao động, “đãi ngộ” là những quyền lợi mà người lao động được hưởng tương xứng với sự đóng góp của họ trong quá trình làm việc tại công ty, doanh nghiệp.
Những “đãi ngộ” mà người lao động được hưởng theo chế độ đó gọi là “chế độ đãi ngộ cho nhân viên” hay “chế độ đãi ngộ doanh nghiệp”. Các chế độ đãi ngộ này là những khoản mà doanh nghiệp chăm lo cho đời sống vật chất lẫn tinh thần của người lao động, tạo động lực để họ hoàn thành được công việc và mục tiêu chung mà doanh nghiệp đã đề ra.
Từ trước đến nay, chế độ đãi ngộ là một trong các yếu tố quan trọng được người lao động quan tâm, cân nhắc để quyết định xem có nên tiếp tục làm việc và cống hiến tại doanh nghiệp nữa hay không.
II. Các chính sách đãi ngộ nhân sự phổ biến hiện nay
1. Đãi ngộ bằng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế
Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhân viên theo quy định pháp luật là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả doanh nghiệp. Đóng bảo hiểm đầy đủ cùng với việc bổ sung các quyền lợi như: khám sức khỏe định kỳ, bảo hiểm răng miệng và thị giác, bảo hiểm cho người thân,… chính là một “điểm cộng” hấp dẫn để đáp ứng mong muốn của nhân viên về chế độ đãi ngộ.
2. Đãi ngộ bằng các khoản phụ cấp
Bổ sung các khoản phụ cấp cũng là một trong các bí quyết tuyển dụng và đãi ngộ người tài. Bên cạnh việc chi trả lương đúng hạn và đầy đủ, doanh nghiệp có thể cân nhắc trả thêm cho nhân viên các khoản phụ cấp như: tiền ăn trưa, xăng xe, điện thoại, quà tặng sinh nhật – hiếu hỷ – ma chay, du lịch hằng năm, tiệc chiêu đãi, chính sách công tác phí “rộng rãi”,…
Những khoản phụ cấp này có thể không lớn nhưng thể hiện được sự quan tâm của doanh nghiệp đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân viên và đây là cái “neo” để giữ lòng trung thành của nhân viên, gia tăng sự đánh giá cao của nhân viên dành cho doanh nghiệp.
3. Đãi ngộ bằng ngày nghỉ và ngày phép
Tùy vào văn hóa và quan điểm của mỗi tổ chức mà giờ giấc, phong cách làm việc sẽ có sự khác nhau. Có doanh nghiệp làm việc theo văn hóa “quân đội”, tức là nhân viên phải rèn luyện tác phong chuẩn mực theo khuôn khổ, áp dụng các chế độ nghỉ bệnh – nghỉ phép – nghỉ việc đúng như luật định. Nhưng cũng có doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc từ xa, thời gian biểu linh động, tăng số lượng ngày phép năm, ngày nghỉ lễ dài hơn quy định hoặc tăng ngày phép theo thâm niên làm việc,… Và thông thường, nhân viên luôn đánh giá cao những môi trường làm việc có chế độ ngày nghỉ, ngày phép rộng rãi, thoải mái.
4. Đãi ngộ bằng các khóa đào tạo phát triển chuyên môn
Để phát triển được một đội ngũ nhân viên chất lượng, việc doanh nghiệp triển khai các chương trình đào tạo theo định kỳ là vô cùng cần thiết, giúp nhân viên nâng cao kiến thức chuyên môn, cũng như các kỹ năng phục vụ công việc.
Bên cạnh đó, các chương trình luân chuyển vị trí (job rotation), tái thiết kế công việc (job enlargement hoặc job enrichment) nhằm mục đích đào tạo nguồn nhân lực kế thừa hoặc đề bạt quản lý cũng chính là động lực để nhân viên gắn bó, cống hiến cho tổ chức.
5. Đãi ngộ bằng trang thiết bị làm việc hiện đại
Một doanh nghiệp có định hướng đãi ngộ tốt, nhất định sẽ luôn quan tâm đến các điều kiện làm việc, các phương tiện, công cụ để có thể hỗ trợ nhân viên làm việc thuận lợi và hiệu quả tốt nhất, bao gồm: máy tính làm việc, các phần mềm hỗ trợ, các thiết bị văn phòng phẩm,…
Như vậy, bên cạnh việc đãi ngộ liên quan đến tiền mặt, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng một môi trường làm việc thoải mái, khang trang và hiện đại để thu hút và giữ chân các nhân sự ưu tú.