Nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Nhà nhiều cột”, Ngày 14/04/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với TUVA Communication tổ chức Tọa đàm Văn hóa đa dạng và bình đẳng trong môi trường làm việc hiện đại.
Tọa đàm được tổ chức với mục đích tạo ra những thảo luận đa chiều về tầm quan trọng của việc thúc đẩy văn hóa đa dạng và bình đẳng trong việc thu hút và phát triển nguồn nhân sự thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ Z.
Tới năm 2025, thế hệ Z (những người sinh ra trong thời gian 1996-2012) dự kiến sẽ chiếm 30% lực lượng lao động tại Việt Nam. Lớn lên trong bối cảnh xã hội đầy biến động và thời đại công nghệ, lực lượng lao động thuộc thế hệ này đang thể hiện những phẩm chất và những kỳ vọng về môi trường làm việc khác biệt đáng kể so với các thế hệ trước.
Thế hệ Z vốn được biết đến là một thế hệ linh hoạt, đề cao tính cá nhân, tôn trọng sự khác biệt và đa dạng trong tập thể. Cùng với sự cởi mở từng bước của xã hội, thế hệ Z thuộc các giới tính khác nhau đang khẳng định bản thân và chứng tỏ năng lực tại nơi làm việc với các dấu ấn cá nhân riêng, không bị ràng buộc bởi các khuôn mẫu xã hội về giới.
Do vậy, việc kiến tạo một môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp phù hợp để thúc đẩy năng suất, sáng tạo, truyền cảm hứng và khuyến khích sự đột phá cho thế hệ trẻ là điều mà nhiều doanh nghiệp quan tâm hiện nay. Thông qua chia sẻ của các diễn giả, những dịch chuyển trong văn hóa doanh nghiệp và quản lý nhân sự trước sự tham gia của thế hệ Z vào thị trường lao động đã được đưa ra thảo luận với nhiều góc nhìn mới mẻ.
“Theo góc nhìn cá nhân tôi, Gen Z là thế hệ có nhận thức khá rõ ràng về quyền được lựa chọn trong cuộc sống và công việc. Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới việc lựa chọn phát triển con đường sự nghiệp hay gắn bó với tổ chức của lớp nhân sự trẻ này. Môi trường làm việc và văn hoá doanh nghiệp cần được xây dựng dựa trên nền tảng trong suốt về mặt thông tin, ngang bằng về cơ hội phát triển, linh hoạt trong tư duy quản lý thì mới có thể tạo được động lực gắn bó và cống hiến lâu dài của các thành viên với tổ chức” - Bà Hoàng Hường, Giám Đốc Sản Phẩm tại Reputa Viettel chia sẻ tại tọa đàm.
Các nội dung trao đổi tại tọa đàm cho thấy tầm quan trọng và những cơ hội trong việc đẩy nhanh hơn nữa những nỗ lực xây dựng văn hóa đa dạng, bình đẳng và bao trùm tại nơi làm việc trước sự tham gia của thế hệ Z vào thị trường lao động. Những nỗ lực này không chỉ nhằm mục tiêu thu hút và giữ chân nguồn nhân lực trẻ, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển và đổi mới của doanh nghiệp trong bối cảnh hồi phục hậu COVID-19.
Một khán giả trẻ tham gia tọa đàm cho sẻ:“Bước chân vào thị trường lao động, thế hệ Z ấp ủ nhiều dự định, nhiều ước mơ; song cũng đặt ra những “tiêu chuẩn” cho bản thân khi lựa chọn nơi làm việc. Em rất vui khi thấy các doanh nghiệp, tổ chức quan tâm và sẵn sàng thay đổi, tạo điều kiện để thế hệ trẻ tự tin được là chính mình khi đi làm. Chỉ khi được làm việc trong một môi trường tôn trọng sự bình đẳng và đa dạng như vậy, những người trẻ mới sẵn sàng lên tiếng, phát huy hết sức sáng tạo và khả năng của mình vì sự phát triển của doanh nghiệp.”