05/05/2023

CHIA SẺ VỀ KỲ NGHỈ ĐÁNG NHỚ - MEMORABLE (Tạ Thị Hiền - ECOMMERCE)

Tham gia cuôc thi: Chia sẻ về kỳ nghỉ đáng nhớ

Họ tên: Tạ Thị Hiền

Phòng ban: Ecommerce

 

 

 

---------------------------

 

PHÍA BÊN KIA CHÂN ĐỒI

 

Nghỉ lễ này cậu đi đâu? Tôi thì trở về phía bên kia chân đồi, nơi có bầu không khí trong lành đến an nhiên, nơi có ánh hoàng hôn tím lịm cả vùng trời như thể hiện niềm thương nhớ đến vô biên, nơi mỗi sớm mai thức dậy có bầy chim ngoài hiên đang líu lo hót, và quan trọng ấy là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có trong một phần xương máu của chính tôi.

Phía bên kia chân đồi – nơi có khoảng trời rực rỡ.

Phía bên kia chân đồi – nơi có khoảng trời rực rỡ.

 

Tôi giống cậu, cũng đã từng phân vân mình sẽ đi đâu trong dịp nghỉ lễ này. Đến một vùng trời mới – nơi có những bãi biển xanh rì với những bờ cát trải dài bất tận. Đến những chân trời rực rỡ - nơi núi non hùng vĩ với bạt ngàn mây trắng, cánh đồng xanh. Chỉ là, trong một khoảnh khắc, tôi giật mình nhận ra, có những người tôi từng thương, đã rất lâu rồi tôi chưa gặp lại. Vậy là tôi quyết định trở về nơi ấy - phía bên kia chân đồi.

Nhà tôi nằm ở phía bên kia chân đồi Voi, dưới sườn thung lũng, nơi chân dãy núi Tam Đảo cuối phía Nam tỉnh Tuyên Quang. Thuở bé, mỗi trưa hè, tôi cùng anh trai và mấy đứa trẻ con hàng xóm thường rủ nhau lên đồi Voi hái sim, chơi ú tìm; rồi đến khi người lớn tìm ra, đứa nào đứa ấy ăn no đủ đòn. Bố tôi kể, hồi chiến tranh, bộ đội ta đào chiến hào ở đồi Voi để tập kích địch, những năm 1970, địch tàn phá ở dưới xuôi miền Bắc ác liệt quá, ông bà ta vì thế mà chuyển hẳn lên đây. Ngày mới lên, hổ trên đồi vẫn thường gầm rú về đêm, dân làng khiếp sợ nên đốt lửa đuổi hổ, đốt mãi hổ cũng sợ mà bỏ chạy về rừng. Làng ta từ ấy không còn sợ hổ nữa.

Tôi lên đồi Voi trong một chiều đầy gió, nơi những chiến hào vẫn còn nguyên ở đó. Chỉ là đồi sim tím lịm trong nhớ mong giờ đã được thay thế bởi nào sắn, nào keo, nào mía, nào bạch đàn,… Tôi đứng trên đỉnh đồi Voi, nhìn về phía Tây nơi mặt trời đang buông ánh hoàng hôn tím lịm, tôi trông thấy tất thảy những khởi sắc của hai chục năm nay trên quê hương tôi. Con đường đất đỏ với đầy rẫy những đá vôi gập ghềnh giờ đã được trải phẳng bằng nhựa, bằng bê tông. Những mái nhà tranh lợp bằng lá cọ đã được thay thế bởi những mái ngói rực đỏ hay bằng cả những ngôi nhà lầu khang trang. Cánh đồng Đám Mạ ngày ấy lúa đỏ hoe vì thiếu nước giờ đã xanh rì, tươi tốt và trổ bông. Tôi đang vẩn vơ suy nghĩ thì bị giật mình bởi tiếng xôn xao của mấy đứa trẻ con đang thi đạp xe vượt qua con dốc giữa làng. Ừ, ngày ấy tôi đã từng ao ước có một chiếc xe đạp giống chúng nó.

Tôi men theo lối mòn sườn đồi và trở về, ngoại trông thấy tôi rồi cười tíu tít như em trai tôi hồi còn bé trông thấy chị trở về, ngoại hỏi: “Đi đâu mà cỏ con đĩ bám đầy quần thế kia”. Tôi cười, con lên đồi Voi ấy mà. Ngoại đưa tôi hộp sữa mà tôi vừa mới biếu quà ngoại khi mới trở về lúc ban trưa: “Uống đi cho khỏe”. Tôi nhìn lại, ngoại tôi vẫn ở đó, chỉ là ngoại gầy hơn, mái tóc ngoại đã chuyển hẳn sang màu mây, chiếc lưng ngoại còng lại và trên khuôn mặt ngoại đã hiện rõ những năm tháng phôi thai mà ngoại từng đi qua. Ngoài 80, tính tình ngoại trẻ con như em bé mới lớn, ngoại hay dỗi. Tôi ngoái nhìn lại ngoại, ra là tôi không thể nhớ cả tuổi thơ tôi đã từng ăn bao nhiêu chiếc oản ngoại để phần, tôi chỉ nhớ rằng, mỗi dịp ngoại đi chùa, tất thảy chúng tôi - những đứa cháu của ngoại luôn có phần quà đã được chia đều.

Tôi xuống bếp phụ mẹ nấu ăn, trời bên ngoài đổ dần màu mực….

Em trai tôi bảo: “Công em tưới rau nhiều lắm đấy”!

Mẹ bảo: “Gói nhiều để tan lễ còn có bánh mà mang đi”

 

 

Hết ngày nghỉ lễ đầu tiên…

Sáng hôm ấy trời đổ mưa phùn, mưa làm trời thêm lạnh. Tôi ườn mình trong chiếc chăn ấm, tính ngủ thêm một lát thì mẹ vỗ vai: “Dậy đi chợ mua đồ thắp hương với mẹ”. Mẹ vẫn thường hay vậy, mẹ gọi tôi đi chợ không phải vì mẹ cần người giúp, mẹ gọi tôi chỉ để tin rằng tôi sẽ lựa những món mà mình thích ăn. Chợ trong ký ức của tôi là những ngày phiên 2, 5, 7, 10 âm lịch. Hai ba năm trở lại đây, khi cuộc sống khấm khá hơn nhiều phần, chợ đã mở tất cả các ngày, có sẵn đồ ăn tươi, có bánh mì kẹp kem, có cốc chè xanh đỏ tím vàng giá 7 ngàn đồng,...

Tôi và mẹ trở về, bố thịt gà, anh nướng chả, em trai tôi nhặt rau, tôi rán nem và mẹ thì cắt bánh. Một mâm cơm nhỏ dâng lên ban thờ, bố tôi quần áo chỉnh tề, cúng xong bố thả đồng tiền đài xuống đĩa, bố cười hớn hở, các cụ nhận rồi. Bữa trưa hôm ấy cả gia đình tôi quây quần, nhà vui hơn vì có thêm đến vài ba vị khách quý.

Ngày lễ thứ hai nhẹ nhàng trôi qua…

Trưa hôm sau Cương gọi, mày nhớ lên tao đấy nhé, có nhớ đường không. Tôi chưa kịp trả lời thì nó tắt điện thoại đánh bụp một cái. Trong số bạn của tôi, nó gần như là đứa lập gia đình sau cùng. Tôi và nó học cùng nhau những năm cấp ba, hai đứa ngồi cạnh nhau, một nam, một nữ, nhưng vẫn thường đánh nhau là hơn cả. Có buổi chí chóe với nhau, thầy bộ môn bắt hai đứa đứng phạt cả tiết, ê mặt. Vậy mà giờ nghĩ lại, bật cười.

Cương là một thằng chăm chỉ, chịu khó. Kể từ lần cuối cùng tôi gặp nó hồi nó bán lá dong phiên chợ Tết, tính đến nay cũng 3-4 năm. Lần này về, đúng dịp nó cưới, được phiên thong thả tôi chuẩn bị lên đồ từ trưa.

 

Cương và người thương của nó.

Tôi mò đến nhà nó khi trời đã nhá nhem tối, khi khách đã đến thật đông, có bàn khách này vừa về thì có bàn khách khác vào thay thế. Cơ sự cũng vì tin nó, nó bảo cứ đến làng Sinh là nhớ ra đường, vậy mà tôi đi mãi, lục trong trí nhớ đã chẳng biết bao lâu rồi mình chưa đến làng Sinh nữa.

Làng Sinh cách nhà tôi chừng 15 cây số, dưới chân núi đá vôi cùng dãy với Tam Đảo. Hỏi mãi từ nhà này sang nhà khác, cuối cùng tôi cũng nghe thấy tiếng nhạc xập xình, tôi mạnh dạn đi vào, nhìn thấy ảnh cưới tim tôi nhẹ đi ba phần: “May quá, đúng đám cưới rồi” - tôi thầm nghĩ.

Khách đến, chủ nhà rót trà, tôi nhìn mãi mới thấy chú rể trong đám đông, nó mang ly rượu của mình đến từng bàn tiếp khách, khuôn mặt rạng ngời đến hạnh phúc. Nó quay qua, thấy tôi, rồi bật lên: “ô bạn”. Một tiếng “ô bạn” thân thuộc vẫn như ngày nào tôi và nó mới còn 15. Tôi ngồi vào bàn tiệc, gặp lại những người bạn cũ đã từng học chung lớp, có bạn vừa nhìn đã nhận ra, có bạn nhìn một hồi cũng nhận ra, có bạn tan tiệc vẫn chưa nhận ra mình là cô bí thư nghiêm khắc năm ấy. Các bạn bảo: “Cậu khác quá”!

Tôi ngồi lại khi tiệc đã gần tàn, nói với Cương vài ba câu chuyện, nó vẫn hớn hở, chân chất như hồi chúng tôi còn là học sinh cấp 3, trông thấy gương mặt nó rạng ngời, tôi hạnh phúc.

Đã nhiều lần tôi hỏi mẹ, ước mơ của mẹ là gì.

Mẹ chỉ cười và nhỏ nhẹ: “Là khi cả 3 đứa bay hạnh phúc”.

Tôi trở về nhà trên con đường đầy hoa, ngày nghỉ lễ thứ 3 dừng lại…

Sau bữa cơm trưa, tôi ngồi bóp thái dương cho mẹ, nhìn vào mái tóc mẹ, tôi giật mình. Tôi vẫn đang chênh vênh trên con đường của chính mình, vẫn kiếm tìm những khát khao, hoài bão. Vẫn ngỡ mình còn thơ bé, non dại,... Đúng rồi, có thể tôi vẫn còn thơ bé, non dại nhưng thời gian vốn dĩ có đợi chờ ai đâu. Ta là ai, ai trong chúng mà chẳng già đi theo năm tháng. Bởi vậy, tóc mẹ đâu có chờ ta lớn lên mới kịp giờ phai màu. Tôi lấy chiếc nhíp nhỏ, rẽ mái tóc dày vốn dĩ đen nhánh ấy, gỡ ra nhiều chiếc tóc sâu đã phủ màu bạc trắng, lòng tôi se lại, gió buổi chiều đầu tháng năm lạnh ngắt.

Ngày nghỉ lễ thứ 4 chậm rãi khép lại…

Sáng hôm sau, tôi trở lại Hà Nội, Thành đón tôi trong chiếc áo đã phai màu, chân đeo đôi dép lê đã đi được mấy năm. Thành vẫn thế, giản dị và thật thà. Thành hỏi tôi có mệt không, có say xe lắm không rồi Thành đưa tôi cốc nước rau má, Thành cười bảo: “Bù cho em cốc nước hôm trước Tôm làm đổ”. Trông thấy Thành tôi như trông thấy cả bầu trời năng lượng.

Thành đưa tôi đi gặp Trang và người thương của cô ấy. Cũng vài năm rồi, kể từ chuyến công tác “Đa Lát” tôi gặp Trang lần đầu. Cô ấy trong tâm trí của tôi đúng như một thiên thần. Cô ấy hiền từ, nhẹ nhàng và nhân hậu. Cô ấy kể cho tôi nghe những câu chuyện về công việc, về cuộc sống, về Na, về Bum,... Tôi kể cho cô ấy nghe những công chuyện về công việc mới, về suy nghĩ, về cảm nhận và cả về Tôm nữa. Chúng tôi ôm nhau, mỉm cười chào tạm biệt và hẹn ngày gần nhất sẽ gặp lại. Cô ấy vẫy tay trong nụ cười rạng ngời, tôi trông thấy sóng biển Đà Nẵng đang rạt rào vẫy gọi.

Chiều muộn hôm ấy tôi chẳng nấu ăn như thường ngày, Thành trở tôi vào một quán cà phê tôi đã định thử vào từ lâu mà còn chần chừ. Tôi gọi một cốc nước dưa hấu, Thành gọi một cốc nước dứa ép. Chúng tôi vẫn vậy, vẫn gọi đồ theo sở thích của đối phương. Thành dẫn Tôm vào chiếc bàn nhỏ, tôi lựa kỹ một cuốn sách có tựa đề “câu chuyện dòng sông”. Tôi không chắc rằng con đường Tất-đạt chọn lựa có đúng hay không, nhưng tôi tin rằng cuộc đời luôn đáng sống và luôn chứa đựng muôn ngàn hương sắc tuyệt vời, mà chúng ta thường bỏ quên và đánh mất giữa cuộc sống thường nhật. Bởi vậy tôi cũng chắc rằng, ở phía bên kia chân đồi luôn có nhiều hơn cả một cánh rừng sim.

Lâu rồi tôi mới ngồi lại, đọc hết một cuốn sách, ngày nghỉ lễ cuối cùng trôi qua một cách ngọt lành.

Luôn có nhiều hơn cả một cánh rừng sim ở phía bên kia chân đồi.

Kỳ nghỉ lễ của tôi kết thúc!

Còn bạn, kỳ nghỉ lễ vừa rồi của bạn thế nào, vạn sự an nhiên chứ?

 

24 Bình luận:
binh-luan

Nga Nguyễn

09/05/2023

ảnh xinh nhé bạn, bao giờ có dịp về Thanh Hóa tớ chơi nhé

binh-luan

Đào Hương

09/05/2023

đấy, đi chơi tứ tung được mà bảo gặp f4 không gặp, rồi giờ kêu người ta like

binh-luan

Sinh Cung

09/05/2023

chúc em gái giật giải to to nhé

binh-luan

Quang Thanh

06/05/2023

Em mình văn thơ lai láng quá nhưng mãi không chịu lấy chồng

binh-luan

Min Xinh

05/05/2023

Cậu viết hay quá Hìn ạ, hôm nao chúng mình cà phê nhé

Viết bình luận: